Hướng dẫn cách sử dụng và Bảo quản mắt kính đúng cách
Gặp phải các bệnh thị giác như cận thị, viễn thị, loạn thị chắc hẳn là điều không ai mong muốn bởi vì như vậy đồng nghĩa với việc bạn phải luôn đeo chiếc kính trên mắt. Dẫu là điều không mong muốn, nhưng nếu đã lỡ phải đeo kính dù vì bất kỳ lí do gì thì chúng ta cũng nên quan tâm đặc biệt đến việc chăm sóc, sử dụng và bảo quản mắt kính đúng. Điều này không chỉ giúp chúng ta cảm thấy thoải mái, tiện lợi hơn trong cuộc sống, mà còn ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe của đôi mắt cũng như sự an toàn của chính chúng ta.
1. Gỡ kính ra khỏi mắt bằng cả 2 tay
Đa phần các loại gọng kính hiện nay trên thị trường đều sử dụng các chất liệu đảm bảo duy trì cảm giác nhẹ nhàng, êm ái, không gây đau vùng thái dương cũng như nặng nền cho vùng tai. Chính vì vậy các loại gọng kính luôn có một độ mềm dẻo nhất định. Đây là một ưu điểm quan trọng với các loại gọng kính, tuy nhiên thói quen tháo kính bằng một tay có thể sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực.
Khi chúng ta gỡ kính bằng hai tay, thường kính sẽ được gỡ theo phương vuông góc với gương mặt. Ngược lại khi gỡ kính bằng một tay, thường sẽ theo phương chéo và điều này tác động một lực đáng kể lên phần gọng kính còn lại.
Với các loại gọng kính rẻ tiền, kém chất lượng thì việc gỡ kính bằng một tay thậm chí có thể làm gãy gọng kính. Còn kể cả các loại gọng kính cao cấp, đắt tiền thì nếu bạn cứ lặp đi lặp lại việc tháo kính bằng một tay thì cũng sẽ dẫn đến tình trạng sai lệch gọng kính và tâm của mắt kính. Điều này gây ra nhiều hậu quả như:
Thiếu thẩm mỹ vì mắt kính bị lệch so với gương mặt, xộc xệch khi mang. Đồng thời cũng tạo ra cảm giác không thoải mái cho bạn.
Ảnh hưởng tới vùng nhìn của mắt, khi mắt có vùng nhìn không chuẩn sẽ ảnh hưởng tới thị lực, nhức mỏi và khó chịu cho mắt.
2. Không cầm tay vào phần mắt kính (tròng kính)
Phần tròng kính gần như là bộ phận quan trọng nhất với mỗi chiếc mắt kính vì nó ảnh hưởng lớn tới thị lực của người đeo. Chỉ một hạt bụi nhỏ, một vết trầy nhỏ cũng sẽ khiến thị lực của người đeo bị ảnh hưởng đáng kể. Nếu bạn để phần ngón tay của mình tiếp xúc với phần tròng kính, thì tác động trước hết là khiến cho tròng kính bị mờ, ảnh hưởng tới tầm nhìn của bạn và lâu dài là gây ra các vấn đề về thị lực, như nhức mỏi mắt, đau mắt.
Ngoài ra khi ngón tay với nhiều mồ hôi và bụi bẩn cũng sẽ khiến cho tròng kính bị ố màu vàng, trầy xước.
Hiện nay nhiều thương hiệu, đặc biệt là các thương hiệu cao cấp có sử dụng các lớp phủ chống bám vân tay rất tiện lợi và là một ưu điểm quan trọng. Tuy nhiên không vì vậy mà chúng ta chủ quan thường xuyên gây ra các vết dơ từ ngón tay lên tròng kính vì nó vẫn một phần nào đó ảnh hưởng tới độ bền của kính cũng như thị lực của chúng ta. Hơn nữa, trải qua thời gian sử dụng nhất định thì các lớp phủ chống bám vân tay này cũng dần hao mòn và không còn hiệu quả nữa.
3. Tránh để kính tiếp xúc với nhiệt độ cao.
Các loại tròng kính và gọng kính làm từ nhựa, hoặc kể các các loại gọng kính kim loại vẫn luôn bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao, gây ra sự biến dạng, hư hỏng. Chẳng hạn như các loại gọng kính chất liệu celluloid hoặc nhựa tổng hợp sẽ bị biến dạng ở 600 độ C, nếu trên 1700 sẽ bị nóng chảy. Mà sự biến dạng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới độ bền của kính, đặc biệt là phần tròng kính nếu bị biến dạng vì nhiệt độ thì sẽ gây ra hậu quả trực tiếp lên thị lực của chúng ta.
Điều này chắc hẳn nhiều người trong chúng ta cũng nắm rõ, tuy nhiên trong quá trình sử dụng lại có nhiều trường hợp chúng ta vô tình làm kính bị hư hỏng vì nhiệt độ cao mà không biết, điều này rất nguy hiểm vì nó ảnh hưởng tới chất lượng của kính, giảm độ bền và gây hại tới thị lực. Các trường hợp đó là :
- Đặt kính cạnh các nguồn nhiệt cao như bếp gaz, lò nướng, lò sưởi, bàn là…
- Đeo kính khi tắm hơi.
- Rửa kính bằng nước nóng, hoặc sấy khô mắt kính bằng máy sấy.
- Đặt kính trên các bề mặt nhiệt độ cao, hoặc bề mặt hấp thu và tích lũy nhiệt như các mặt bàn kim loại, mặt bàn màu đen dưới trời nắng hoặc đặt kính trên bãi cát dưới ánh sáng mặt trời.
- Đặt kính trong cốp xe máy.
- Đặt kính trong oto khi đậu xe dưới trời nắng.
Chắc hẳn rằng ai trong chúng ta cũng một lần vi phạm vào các sai lầm kể trên vì chúng ta không nhận thức được rằng trong các điều kiện đó, tròng kính hoặc gọng kính cũng phải chịu một nhiệt lượng không hề nhỏ khiến nó bị hư hỏng.
4. Cẩn thận khi mắt kính tiếp xúc với mỹ phẩm
Nhiều loại mỹ phẩm có chứa các chất như etxăng (benzine), thinner hay cồn có thể gây hại cho cả tròng và gọng kính. Thường thấy nhất là tình trạng gọng kính bị ăn mòn, bị rỗ, nứt gãy… Ngoài ra còn có thể khiến tròng kính bị rỗ, ố màu, biến đổi chất…
Vấn đề mỹ phẩm này không chỉ riêng các bạn nữ mới gặp phải mà cả các bạn nam cũng có thể vì xu hướng sử dụng mỹ phẩm ngày nay đã ngày càng trở nên phổ biến.
Để giảm thiểu tình trạng này các bạn có nhiều giải pháp :
Hạn chế sử dụng các loại mỹ phẩm có chứa các chất gây hại cho mắt kính. Trên thị trường có nhiều loại mỹ phẩm đa dạng khác nhau, trước khi mua sản phẩm chúng ta cần tìm hiểu kĩ thành phần của sản phẩm để biết loại mỹ phẩm đó có gây hại cho mắt kính của mình hay không.
Nếu vẫn phải sử dụng các loại mỹ phẩm có thành phần gây hại cho mắt kính thì hãy lưu ý vệ sinh kĩ mắt kính sau khi tiếp xúc với mỹ phẩm.
5. Kiểm tra mắt và kính mắt định kỳ
Đây là lời khuyên mà bất kỳ chuyên gia, bác sĩ về mắt nào sẽ khuyên bạn để đảm bảo sức khỏe mắt.
- Thứ nhất là vì đôi mắt sẽ có nhiều sự thay đổi, có thể là tích cực, có thể là tiêu cực sau một thời gian nhất định. Vì vậy việc kiểm tra mắt định kì 6 tháng (hoặc tối thiểu là mỗi năm một lần) là rất quan trọng và cần thiết để xác định tình trạng của mắt từ đó có các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cho phù hợp.
- Thứ hai là mắt kính cũng có sự hao mòn sau thời gian sử dụng, có thể tồn tại các vết nứt nhỏ ở gọng kính, trầy xước trên mặt tròng kính, lỏng ốc hoặc các khớp nối, cong vênh gọng kính khiến kính bị xô lệch ảnh hưởng tới vùng nhìn của bạn…
Vì vậy việc khám mắt định kỳ, kết hợp kiểm tra mắt kính là rất quan trọng để đảm bảo mắt kính luôn duy trì được trạng thái chất lượng tốt nhất, từ đó gián tiếp bảo vệ đôi mắt luôn khỏe mạnh.
6. Hướng dẫn các thao tác vệ sinh kính
Mắt kính là lá chắn bảo vệ mắt nên nó gần như luôn tiếp xúc với khói bụi, mưa nắng ngoài môi trường vì vậy việc vệ sinh kính là điều thường xuyên phải làm. Tuy nhiên không ít người trong chúng ta vệ sinh mắt kính theo thói quen mà không biết rằng những hành động đó có thể gây ảnh hưởng tới độ bền của mắt kính.
Nắm vững những nguyên tắc sau sẽ giúp bạn vệ sinh mắt kính đúng cách :
- Xả nước lên tròng kính trước khi vệ sinh. Nếu không xả nước, trên mặt kính sẽ có những hạt bụi nhỏ li ti mà khi bạn dùng vải để lau sẽ vô tình làm những hạt bụi này di chuyển trên khắp mặt kính gây trầy xước bề mặt tròng.
- Xả nước lên tròng trước khi vệ sinh
Tuy nhiên khi xả nước lên mặt tròng kính cần hạn chế không để nước chảy vào phần hộp lò xo bản lề, vì đây là các chi tiết làm từ kim loại nên có thể dẫn đến tình trạng rỉ sét và lâu dần là hư hỏng.
- Không sử dụng các chất tẩy rửa hóa học như nước rửa chén, xà bông, xà phòng… vì sẽ làm bay các lớp phủ quan trọng trên bề mặt kính. Các lớp phủ như chống tia UV, lọc ánh sáng xanh, chống trầy, chống bám bụi, chống bám vân tay đều rất quan trọng với kính và là thành tựu khoa học của các thương hiệu lớn, chắc hẳn các bạn sẽ không muốn các lớp phủ này bị rửa trôi chỉ vì mội thao tác vệ sinh sai.
Không sử dụng hóa chất rửa kính
Vệ sinh kính bằng các loại khăn chuyên dụng, tuyệt đối không tùy tiện sử dụng vải quần áo đang mặc để lau kính. Bởi vì quần áo chúng ta mặc hàng ngày có chứa nhiều bụi có thể gây trầy xước cho mặt tròng kính. Ngoài ra các sợi vải trên quần áo có thể bám trên mặt kính trong quá trình lau vì tĩnh điện, khiến cho mắt kính của bạn không thực sự sạch.
Lời kết.
- Độ bền của mắt kính ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của đôi mắt, việc đeo tròng kính thiếu vệ sinh, trầy xước, sai độ cận/ viễn sẽ có thể khiến cho mắt bạn mệt mỏi, đau mắt, tăng độ cận… Trong một số trường hợp sử dụng kính sai cách gây ra tình trạng lệch gọng kính, lệch trọng tâm điểm nhìn khiến cho mắt bị suy giảm thị lực, mắt lé… Ngược lại nếu đeo tròng kính đảm bảo các tiêu chí trên sẽ giúp chăm sóc mắt khỏe mặt, hỗ trợ điều trị các bệnh về mắt, giảm rủi ro tăng độ cận…
- Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của đôi mắt, mà việc đảm bảo độ bền của mắt kính còn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bạn, thậm chí trong nhiều trường hợp còn là sự an toàn của mỗi chúng ta. Chẳng hạn các tai nạn bất ngờ liên quan đến mắt kính như lỏng ốc, gãy gọng kính, nứt vỡ tròng kính… nhẹ thì khiến chúng ta cảm thấy không thoải mái, bất tiện; nặng hơn thì khiến chúng ta gặp rắc rối như khi đang thi, đang họp, gặp khách hàng đối tác; hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn là khi đi xe thì là nguy hiểm tới tính mạng.
- Chính vì vậy, chất lượng của kính mắt là rất quan trọng, hãy luôn sử dụng những loại tròng kính, gọng kính chất lượng, có thương hiệu và chỉ mua ở các cửa hàng uy tín, chính hãng. Tuy nhiên ngoài chất lượng vốn có của kính mắt, thì việc chúng ta sử dụng và bảo quản đúng cách cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới độ bền của sản phẩm. Mong rằng bài viết đã giúp các bạn nắm vững được các nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất khi sử dụng và bảo quản kính mắt để đảm bảo độ bền lâu dài nhất cũng như an toàn cho đôi mắt.